Phục vụ Tây Sơn Nguyễn Hữu Chỉnh

Giai đoạn đầu

Năm Nhâm Dần (1782), phe người con lớn của Trịnh Sâm là Trịnh Tông làm binh biến lật đổ Trịnh Cán, giết quận Huy Hoàng Đình Bảo. Nguyễn Hữu Chỉnh có người tâm phúc là Hoàng Viết Tuyển dũng cảm, có mưu lược, từng được Nguyễn Hữu Chỉnh tiến cử với quận Việp và được quận Việp cho coi trung đội của đạo Hậu kiên đóng ở trấn Sơn Nam. Sau khi đảo chính của Trịnh Tông và cái chết của Hoàng Đình Bảo, Hoàng Viết Tuyển vượt biển vào Nghệ An đem tin này báo cho Nguyễn Hữu Chỉnh. Nguyễn Hữu Chỉnh sợ liên lụy, bèn thuyết phục trấn thủ Nghệ An là Dao Trung hầu Vũ Tá Dao (em rể Hoàng Đình Bảo) chiếm giữ trấn Nghệ An, đặt quân đội riêng, liên kết với các tướng Thuận Hóa ly khai khỏi triều đình:

"Trấn Nghệ An này giáp giới Thuận Hóa, mà Hoàng Đình Thể, phó tướng Phú Xuân, Khôi Thọ đồn tướng Động Hải, đều là thuộc tướng của tiên công ta, cùng ta có tình nghĩa đồng châu. Nay tướng công nên viết mật thư bảo Đình Thể, để Đình Thể dùng kế giết viên đại tướng đi mà chiếm lấy thành, thì tất nhiên Khôi Thọ sẽ đem Động Hải hưởng ứng về ta. Về phần ta, thì tướng công chiếm lấy trấn Nghệ An này, cùng họ gắn bó như môi với răng, rồi chặn lấp con đường Hoàng Mai, đóng trọng binh ở Quỳnh Lưu, làm kế cố thủ. Còn việc phòng thủ mặt biển, tôi tự xin đảm đang. Nếu tướng công làm được như thế, không những thoát khỏi họa hoạn mà tất có công lao phi thường".

Vũ Tá Dao không nghe theo, muốn bỏ trấn mà đi cho an toàn, nhưng vẫn dùng dằng chưa biết đi đâu. Nguyễn Hữu Chỉnh bèn về nhà, cùng tướng tâm phúc là Hoàng Viết Tuyển dẫn gia quyến vào Nam theo Tây Sơn. Lúc này Tây Sơn đã diệt Nguyễn và Nguyễn Nhạc xưng làm Thiên vương, đặt niên hiệu Thái Đức. Triều đình Lê-Trịnh biết chuyện này nhưng cũng không hỏi tới. Nguyễn Nhạc đang muốn thôn tính Thuận Hóa, nên thấy Nguyễn Hữu Chỉnh thì rất mừng, đối đãi ông như thượng khách. Tuy nhiên, Nguyễn Hữu Chỉnh thấy Nguyễn Nhạc chưa tin mình lắm, bèn tình nguyện gửi vợ con làm con tin, nương tựa vào Tây Sơn. Ông còn bày kế cho Nguyễn Nhạc chinh phạt Chiêm Thành, Xiêm LaBồn Man. Trong các chiến dịch này, ông đều hăng hái dẫn quân đi tiên phong, xông xáo ở những trận địa nguy hiểm, lần lượt đánh bại các nước địch. Do đó Nguyễn Nhạc ngày càng tin tưởng ông hơn.

Hiến kế diệt Trịnh

Theo Hoàng Lê nhất thống chí, từ khi Nguyễn Hữu Chỉnh bỏ nước, triều đình Lê-Trịnh rất lo âu, thường hay kêu gọi ai chiêu dụ ông trở về sẽ được trọng thưởng.

Tháng 3 năm 1786, dân Bắc Hà bị nạn đói, giá gạo tăng vọt, thây chết nằm liền nhau. Trịnh Khải hạ lệnh ai nộp của sẽ trao cho quan chức, nhưng không ai hưởng ứng, bèn dùng sắc lệnh bắt ức nhà giàu để lấy tiền chia ra phát chẩn. Nhận thấy thời cơ đánh Bắc Hà, Nguyễn Huệ đề nghị Nguyễn Nhạc đánh ra bắc nhưng Nguyễn Nhạc ngần ngại chưa quyết.

Sang tháng 4 năm 1786, chủ tướng thành Phú Xuân Phạm Ngô Cầu sai sứ là Nguyễn Phú Như - người em rể của ông nhận việc đó, vào Nam gọi ông về. Nguyễn Hữu Chỉnh không nghe theo mà còn vặn lại hỏi dò tình hình Thuận Hóa. Biết quân Đàng Ngoài chểnh mảng, Hữu Chỉnh bèn xin Nguyễn Nhạc ra quân đánh Thuận Hóa. Nguyễn Nhạc chấp thuận, sai em là Nguyễn Huệ (tên khác: Nguyễn Quang Bình) làm Long Nhương tướng quân chỉ huy quân thủy bộ,Nguyễn Đình Đắc làm phó Tướng quân bộ binh, cùng Vũ Văn Nhậm làm tả quân đô đốc, Nguyễn Hữu Chỉnh làm hữu quân đô đốc, Nguyễn Lữ chỉ huy đội dự bị thủy quân chia quân vượt đèo Hải Vân nhằm thẳng Thuận Hóa.

Nguyễn Hữu Chỉnh lập kế ly gián giữa chủ tướng thành Phú XuânPhạm Ngô Cầu và phó tướng là Hoàng Đình Thể. Chỉnh vờ viết thư dụ hàng phó tướng Hoàng Đình Thể, nhưng lại cố ý gửi nhầm cho Cầu khiến Cầu nghi Thể và có ý hàng Tây Sơn. Quả nhiên khi quân Tây Sơn tập kích thành Phú Xuân, Cầu bỏ mặc Thể đánh nhau với quân Tây Sơn, không tiếp ứng[4]. Thể chết trận. Cầu đầu hàng quân Tây Sơn nhưng cũng bị giết.

Trong lúc khí thế quân Tây Sơn đang hăng, Nguyễn Hữu Chỉnh hiến kế cho Nguyễn Huệ mang quân ra Bắc Hà diệt chúa Trịnh, lấy danh nghĩa "phù Lê". Sự việc này đã được kể lại dưới bút pháp của các tác giả Hoàng Lê nhất chí:

"Sau khi hoàn toàn lấy được Thuận Hoá rồi, Bình bèn họp các tướng bàn việc sửa lại địa giới La Hà; đồng thời sai làm tờ "lộ bố" (thư báo tin thắng trận) báo tin thắng trận về cho chúa Tây Sơn.Lúc ấy, Chỉnh nói với Bình rằng:
Ngài vâng mệnh ra lấy Thuận Hoá, đánh một trận mà xong, oai danh lừng lẫy khắp thiên hạ. Phép dùng binh có ba điều cốt yếu, một là "thời", hai là "thế", ba là "cơ"; ba điều ấy đều có cả thì đánh đâu cũng thắng. Nay ở Bắc Hà, tướng lười binh kiêu, triều đình không còn kỷ cương gì cả, ta thừa thế mà đánh lấy, như trong sách đã nói: "Chiếm nước yếu, đánh nước ngu, lấy nước loạn, lấn nước suy vong". Cơ và thời ấy không nên bỏ lỡ!
Bình đáp:- Bắc Hà là một nước lớn, có nhiều người tài. Lời xưa có nói: "Con ong có nọc", há có thể khinh thường được ư?... Một nước đã trải bốn trăm năm, nay bỗng chốc mình đến cướp lấy, người ta sẽ gọi đạo quân ấy là đạo quân gì?Chỉnh đáp:
Nước tôi có vua lại có chúa, đó là một việc hết sức trái ngược xưa nay. Chúa Trịnh tiếng rằng phò Lê, thực ra chỉ là ăn hiếp thiên tử. Người trong nước vốn không phục. Trước đây các bậc anh hùng mỗi khi nổi dậy, chưa từng có ai không lấy danh nghĩa phò Lê. Nhưng số họ Trịnh chưa hết, nên công việc của những người ấy đều không thành. Nay xét ở trong "địa ký" của họ Trịnh có câu: "Chẳng đế chẳng bá, quyền nghiêng thiên hạ, truyền được tám đời, trong nhà dấy vạ". Mà tính từ Thái vương đến Tĩnh vương thì đã đủ số tám đời rồi. Nếu ngài lấy cớ "diệt Trịnh phò Lê" mà kéo quân ra, thiên hạ không ai là không hưởng ứng. Đó chính là cái công không mấy đời có vậy!
Bình nói:- Đó là việc rất hay! Nhưng nay ta vâng mệnh đi đánh Thuận Hoá, không phải vâng mệnh đi đánh nước người. Tự ý thay đổi mệnh lệnh của nhà vua như thế thì ra làm sao?Chỉnh đáp:- Trong kinh Xuân Thu có nói: "Thay đổi nhỏ mà công lao lớn, ấy là có công!" Như thế thì thay đổi cũng có ngại gì đâu? Huống hồ, ngài há chẳng nghe nói câu "tướng ở ngoài, mệnh vua có khi không cần phải theo" đấy ư?"

Nguyễn Huệ nghe theo, bèn nói giả là nhận lệnh Nguyễn Nhạc, rồi tự ý mang quân bắc tiến. Nguyễn Hữu Chỉnh đem đội quân tuyển phong tiến ra cửa biển Vị Hải, vào cửa biển Đại An, đi thẳng ra Vị Hoàng tập kích kho lương. Khi đi ngang qua các trấn Nghệ An, Thanh Hóa, Nguyễn Hữu Chỉnh tổ chức nhiều toán du binh, mỗi toán vài trăm lính, chia nhau đánh các đồn để gây dựng thanh thế. Trấn thủ Nghệ An là Đương trung hầu Bùi Thế Toại, trấn thủ Thanh Hóa là Thùy trung hầu Tạ Danh Thùy đều bỏ thành chạy trốn. Ngày 6 tháng 6 âm lịch năm 1786, Nguyễn Hữu Chỉnh đánh Vị Hoàng. Quân Trịnh mới thấy bóng quân Tây Sơn đã tháo chạy. Nguyễn Hữu Chỉnh chiếm hơn một trăm vạn hộc lương ở đây rồi đốt lửa báo tin cho Nguyễn Huệ dẫn đại quân thủy bộ tiến phát. Tới Vị Hoàng, Nguyễn Huệ hội quân với Nguyễn Hữu Chỉnh, rồi đánh như gió cuốn ra bắc. Quân thủy bộ Bắc Hà liên tục thua trận. Chỉ sau 1 tháng, quân Tây Sơn tiến vào Thăng Long. Trịnh Tông bỏ chạy không thoát bèn tự sát[4].

Mai mối hôn nhân giữa Nguyễn Huệ với công chúa Ngọc Hân

Tháng 7 âm lịch năm 1786, sau khi đánh đổ chúa Trịnh, Nguyễn Huệ đến điện Vạn Thọ yết kiến hoàng đế Lê Hiển Tông, ngỏ ý thần phục hoàng triều Lê.

Hoàng đế sai người mời vào, đặt một giường khác ở bên cạnh giường vua ngự để Nguyễn Huệ ngồi. Nguyễn Huệ rụt rè không dám ngồi. Hoàng đế ép mãi, tướng Tây Sơn mới ngồi ghé vào cạnh chiếu. Nguyễn Huệ tâu nói: "Tôi vốn người dân áo vãi ở Tây Sơn, nhân thời cơ nổi dậy, tuy cơm áo triều đình không được bệ hạ ban cho, nhưng tôi ở nơi rừng rậm xa xăm, lâu nay vẫn kính mến thánh đức, ngày nay được thấy thiên nhan, mới đủ giãi bày tấm lòng thành thực. Vì họ Trịnh lăng loàn áp bức, không giữ đạo làm tôi, cho nên hoàng thiên mượn tay tôi đánh diệt họ Trịnh, để tỏ rõ uy quyền của bệ hạ, may mà được đến thành công đều do ở phúc đức của bệ hạ cả. Tôi chỉ mong thánh thể yên lành mạnh khỏe, ngự ngôi vua, trị thiên hạ, để kẻ bầy tôi nơi xa xăm đội phúc đức". Nhân đấy, Nguyễn Huệ bày tỏ ý nghĩa tôn phò. Nhà vua bội phần an ủi.

Lúc ấy các quan đều đã trốn tránh, chỉ còn vài người chầu chực trong nội điện ra ứng tiếp mà thôi. Nhân đấy, Nguyễn Hữu Chỉnh xin nhà vua hạ chiếu tuyên triệu các đại thần Phan Lê Phiên, Uông Sĩ Điển, Trần Công Xán và bầy tôi hơn mười người. Họ lục tục trở về, còn thì đều trốn tránh không chịu ra cả.

Trước đây, họ Trịnh chuyên giữ chính quyền trong nước. Một người dân, một tấc đất, đều không do quyền triều đình. Nay Nguyễn Huệ đã vào triều yết, bèn xin ngày cử hành nghi lễ đại triều, dâng sổ sách binh và dân để tỏ rõ ý nghĩa nhà vua nhất thống và Nguyễn Huệ tôn phò. Đến nay, nhà vua cố gượng dậy, ra ngự điện Kính Thiên nhận lễ, rồi ban hành chiếu thư về việc nhất thống để bá cáo cho trong kinh, ngoài trấn biết. Lại sách phong Nguyễn Huệ làm Nguyên soái Phù Chính Dực Vận Uy quốc công.

Sau khi Nguyễn Huệ nhận sách phong, bèn nói riêng với Hữu Chỉnh rằng: "Ta cầm vài vạn quân, đánh một trận mà bình định được Bắc Hà. Một tấc đất, một người dân, đều là của ta. Nếu muốn xưng đế hay xưng vương, việc gì mà ta không làm được? Còn như sắc mệnh nguyên soái quốc công đối với ta có hơn kém gì?Bầy tôi Bắc Hà lại muốn dùng danh vị hão để lung lạc ta hay sao? Đừng tưởng ta là người mọi rợ được chức tước ấy mà lấy làm vinh dự đâu!".

Nguyễn Hữu Chỉnh biết ý Huệ không mãn nguyện, bèn bí mật khuyên nhà vua đem công chúa Lê Ngọc Hân gả cho Nguyễn Huệ. Nguyễn Huệ rất bằng lòng.

Về việc này, Khâm định Việt sử Thông giám Cương mục phê rằng:

"Chống hùm cửa trước, rước sói cửa sau"[5], ôi cũng nguy hiểm lắm! Trịnh Doanh lập Hiển Tông để nương nhờ vào phúc đức, mà Hiển Tông từ trước đến sau, nhất thiết việc gì cũng do ở người khác. Nhiều lần gặp tai họa bất trắc xảy ra, chỉ vì không vướng vít với thất tình, mà được trọn đời an toàn, cũng là may mà thôi.

Ngày 17 tháng 7 âm lịch năm 1786, hoàng đế Lê Hiển Tông chết ở điện Vạn Thọ, thọ 70 tuổi. Ngày 25 tháng 7 âm lịch, triều đình đưa linh cữu hoàng đế theo đường thủy về chôn ở lăng Bàn Thạch (Thanh Hóa). Nguyễn Huệ mặc áo tang, đi đến bến sông đưa tiễn, rồi sai nội quan Trần Văn Kỷ cùng hữu quân Nguyễn Hữu Chỉnh mặc đồ trắng hộ tống linh cữu về Thanh Hóa.

Vào trấn Nghệ An

Trước đây vua Tây Sơn là Nguyễn Nhạc sai Nguyễn Huệ đánh Thuận Hóa nhưng chưa có ý chiếm Bắc Hà. Sau khi thu được Thuận Hóa, Nguyễn Huệ đưa thư xin Nguyễn Nhạc cho đánh luôn Thăng Long nhưng Nhạc không đồng ý. Nguyễn Huệ không cần lệnh trên, đánh một mạch ra bắc diệt chúa Trịnh. Nguyễn Nhạc nhận được tin này thì rất lo, phần vì nghĩ Bắc Hà khó giữ được, phần vì sợ Nguyễn Huệ đắc thắng, lập Bắc Hà thành một nước riêng, khó kìm chế. Do đó Nguyễn Nhạc dẫn 500 lính tiến gấp ra Thăng Long, nói là tiếp ứng cho em, mà thật ra là để nắn gân Nguyễn Huệ.

Lúc Nguyễn Nhạc vào Thăng Long, quân tướng Tây Sơn đóng giữ nơi xa đã lâu ngày nên muốn trở về, tả quân Vũ Văn Nhậm cũng hiềm khích với Nguyễn Hữu Chỉnh. Nhân đó, Nguyễn Nhạc giục Nguyễn Huệ bí mật rút quân về Nam, bỏ lại Nguyễn Hữu Chỉnh ở Bắc Hà để thí ông cho người Bắc giết:

"Kẻ kia [chỉ Nguyễn Hữu Chỉnh] lấy thân phận người tôi trốn tránh mà về đầu hàng với ta, trong bụng chỉ muốn được hả lòng với nước cũ, nên nhờ uy lực của ta để thành công. Nay nếu ta lại giam hãm mấy vạn người ở đây, để làm vây cánh cho nó, thì thật là dại dột quá chừng! Vả lại hắn thường nói: "Nhân tài Bắc Hà chỉ có một mình hắn". Thế thì không chi bằng ta bỏ hắn ở đây mà về Nam. Hiện nay người Bắc Hà oán ghét hắn ghi sâu vào xương tủy, ta mượn tay họ để giết hắn đi, khi hắn chết rồi, thì ta lấy Bắc Hà lại minh bạch chính đáng".

Anh em Tây Sơn bí mật bàn nhau rút quân mà Nguyễn Hữu Chỉnh không hề hay biết.

Vài ngày sau, Nguyễn Nhạc hội kiến với tân hoàng đế Lê Chiêu Thống, cháu đích tôn của Lê Hiển Tông. Nguyễn Nhạc hứa hẹn đời đời làm láng giềng giao hảo với nhà Lê. Lê Chiêu Thống tin lời, ngỏ ý muốn Nhạc ở lại lâu hơn để giúp đỡ. Vua Tây Sơn giả cách đồng ý, sai Nguyễn Hữu Chỉnh chọn ngày tốt làm lễ bái yết ở Thái Miếu. Nguyễn Hữu Chỉnh tin là thật. Đến canh ba đêm ngày 17 tháng 8 âm lịch năm 1786, Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huệ ngầm sai người từ biệt vua Lê rồi âm thầm rút hết quân thủy bộ về. Của cải trong kho tàng của nhà Lê đều bị Tây Sơn thu lấy. Sáng hôm sau, Nguyễn Hữu Chỉnh biết tin quân Tây Sơn rút lui. Ông cùng một số thuộc hạ vội vã giành lấy một chiếc thuyền buôn đuổi theo quân Tây Sơn. Cư dân Thăng Long thấy ông liền đua nhau ném gạch ngói, khiến ông phải rút kiếm đâm vài người để chạy thoát. Ông đuổi kịp quân Tây Sơn tới Nghệ An (vùng đất giáp ranh giữa nhà Lê và Tây Sơn) rồi yết kiến Nguyễn Nhạc. Vua Tây Sơn dùng lời lẽ xoa dịu, vỗ về ông, rồi cử ông cùng tướng Nguyễn Duệ trấn thủ châu thành Nghệ An, lo việc huấn luyện quân sĩ, tích trữ lương thực. Sau đó Nguyễn Nhạc đưa quân về Quy Nhơn.[4].